Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Xấu xí

Hằng ngày, nơi mình làm việc, mình thường chạnh lòng khi nghe đồng nghiệp nói những từ: "Bọn nhà quê". Mặc dù, mình biết rằng, bố mẹ những người phát ngôn ấy cũng sinh ra từ làng... Nhân vụ việc "mất thể diện Thủ đô" (Lễ hội hoa 2010), mình đọc bài báo này trên báo Tiền Phong, thấy thú vị, nên post lên đây để tặng những người thành phố!

Xấu xí

Đâu còn mới những cảnh bẻ hoa, vin cành, trong lễ hội hoa vừa diễn ra tại khu vực Hồ Gươm, cảnh các nam thanh nữ tú chen nhau thưởng hoa, rồi giành nhau lấy trộm cây cảnh trong tiếng loa quát tháo ời ời của đội bảo vệ, trên tay lăm lăm dùi cui.

Năm nào cũng vậy, báo chí cứ nói, cảnh phản cảm vẫn diễn ra.

Cư dân trên mạng, có lẽ là dân Hà Nội thì nói, qua các tấm ảnh trên báo, thấy những người vô ý thức kia đều là dân nhà quê, ý nói không phải dân Hà Nội hay Hà Nội gốc. (Nhưng TPHCM cũng đầy dân nhập cư đó thôi, mà đường hoa Nguyễn Huệ năm nào Tết đến cũng sáng bừng, có cần phải cảnh sát dùi cui canh me như thế đâu?).

Nhân đây nhớ lại một chuyện hay ho nữa mới diễn ra ở thủ đô. Đám cưới của một anh sinh năm 1984, nghe các báo mạng nói là đại gia kinh doanh ô tô nhập khẩu.

Chuyện chả có gì đáng chú ý ngoại trừ sự phô diễn mức độ giàu sang: tổ chức tại khách sạn 5 sao, đoàn xe rước dâu toàn là xe siêu sang của thế giới. Một chiếc Rolls- Royce trắng làm xe hoa, đi kèm là những Aston Martin, Bentley, Ferrari… mà cộng thuế cùng các chi phí, ở Việt Nam, giá mỗi siêu xe lên tới hơn 20 tỷ đồng!

GDP của Hà Nội, mức sống của dân thủ đô được nói là thấp hơn TPHCM nhưng nếu nói chơi sang thì dân Sài thành có lẽ chưa theo kịp.

Một chuyên gia thị trường có lần nói với tôi: muốn bán hàng cho người Hà Nội, cứ bán hàng hiệu nhái. Hàng Trung Quốc nhái Louis Vuitton, Versace…, những thương hiệu nổi tiếng, bán rất chạy.

Các cô cậu sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, những nam thanh nữ tú quần áo hàng hiệu, vè vè xe ga đắt tiền như Honda SH, PS, LX… nhưng phơi đầu không mũ bảo hiểm, cảnh ít thấy ở những thành phố khác.

Những cô cậu này vừa đi vừa ôm ấp, âu yếm nhau, thậm chí đi ngược chiều, bất chấp sự khó chịu của những người đang tuân thủ Luật Giao thông, khi bị công an tuýt còi thì rút điện thoại ra, gọi ai đó…

Chừng nào người Hà Nội chưa chịu soi lại mình, vẫn vỗ ngực xưng là thanh lịch, chừng nào mỗi người thủ đô chưa biết xấu hổ trước hành vi của mình, và cao hơn, chừng nào Hà Nội chưa có một chính quyền đô thị vượt qua chiều kích phát triển thì những cảnh nói trên sẽ vẫn còn tiếp diễn.