Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010

Ảo giác của sự hội tụ

Entry này là dành cho Người đẹp đa đoan (biệt danh mình đặt cho cô bạn gái). Mấy hôm nay không liên lạc được với bạn nên chẳng hiểu, lòng đã bớt bão dông? Tình cờ, đọc được bài tản văn của một đồng nghiệp trong phòng, thấy chứa đựng một số điều muốn nói với bạn, nên post lên đây. Mong rằng, bạn sẽ tìm thấy một phần của mình trong những nhân vật ấy. Hy vọng, nó sẽ có ích cho bạn, một chút thôi, là cũng tốt rồi.

Trong những câu chuyện cổ tích, bao giờ công chúa và hoàng tử cũng đến được với nhau cho dù phải trải qua bao nhiêu khó khăn và thử thách. Tất cả mọi đứa trẻ đều tỏ ra mãn nguyện và hài lòng khi trang sách cuối cùng được khép lại bằng câu kết: “Và họ sống bên nhau hạnh phúc đến đầu bạc răng long…”.

Say nắng của Ivan Bunin là một câu chuyện tình lãng mạn đẹp như một bài thơ. Trong cuộc tình chóng vánh như gió thoảng đó, viên sĩ quan thậm chí còn không biết chút gì về danh tính của người đàn bà đã làm thay đổi cuộc đời anh. Khi bắt đầu cuộc phiêu lưu tình ái kỳ lạ này, anh đã nghĩ chỉ để “giải trí một cách ngộ nghĩnh”. Thế nhưng, ngay khi người phụ nữ đó vừa rời xa, anh bỗng hiểu rằng anh vừa bị một “cú đấm của mặt trời” và “cuộc đời thiếu vắng nàng, sẽ thừa, sẽ không cần thiết biết bao nhiêu!”.

Mang hơi hướng Say nắng của Bunin, truyện ngắn Giữa mặt đất và bầu trời của Victoria Tokareva (Tuyển tập truyện ngắn Một ngày không nói dối) kể về Natalia, một phụ nữ xinh đẹp lấy chồng từ năm 18 tuổi và ly dị sau 8 tháng chung sống. Trên chuyến bay đến Bacu với người tình, Natalia gặp một chàng trai trẻ và chàng trai đó đã khơi lên trong trái tim cô những cảm xúc rất lạ lùng, giống như men say. Với kiểu “kết cấu tâm thái”, Giữa mặt đất và bầu trời chỉ là sự miêu tả những trạng thái tâm lý và tình cảm, là sự đan xen của những mảng ký ức nhân vật, thêm vào đó chút liên tưởng, so sánh mang màu sắc tâm lý rất đàn bà. Trong trạng thái lơ lửng giữa mặt đất và bầu trời, Natalia nhận ra cuộc đời chỉ thực sự có ý nghĩa khi có một bờ vai tin cậy để tựa vào mỗi khi sợ hãi và cô đơn! Cô cũng nhận ra, sự đồng cảm khiến hai con người xa lạ chỉ sau mấy phút gặp gỡ bỗng thấy thân thiết như đã biết nhau từ hàng trăm năm trước. Nhưng rồi khi ở trên mặt đất, khi trái tim thôi không còn loạn nhịp, sau nhiều đêm thao thức bởi ánh mắt đau đáu của người bạn đồng hành, cô cũng hiểu ra một điều: “Nếu định nhổ một cái cây lên, nhất định bạn phải trồng nó sang một chỗ khác để nó tiếp tục lớn lên và đâm chồi nảy lộc... Khi còn rất trẻ, người ta có thể dễ dàng nhổ lên những rễ cây non và ném chúng đi, bởi cứ ngỡ rằng tất cả còn đang ở phía trước và mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong tương lai”.

Có một người phụ nữ xinh đẹp cũng không đành lòng nhổ lên những rễ cây non. Đó là Francesca trong Những cây cầu ở quận Madison của Robert James Waller. Cả trong tiểu thuyết lẫn trên màn ảnh, cặp tình nhân Francesca Johnson và Robert Kincaid đã khiến hàng triệu trái tim xúc động. Nếu như bộ phim gây ấn tượng bởi diễn xuất tuyệt vời của cặp diễn viên gạo cội Meryl Streep và Clint Eastwood cùng những khuôn hình lãng mạn tuyệt đẹp của đôi tình nhân trên những cây cầu có mái che ở quận Madison thì cuốn sách của Robert James Waller lại cuốn hút độc giả bởi những trường đoạn miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc. Ngay khi gặp Robert, Francesca nhận ra bấy lâu nay chị sống trong sức ỳ của thói quen, “những thói quen làm cho người ta có thể dễ dàng chịu đựng bất kỳ cuộc hôn nhân nào, bất kỳ mối quan hệ nào”. Thói quen khiến con người trở nên dè dặt, cảnh giác với những thách đố, đổi thay. Chỉ trong bốn ngày, Robert đã cho Francesca “cả một cuộc đời, cả vũ trụ, kết tụ từng phần tách rời của chị thành một thứ trọn vẹn”, mở ra trong chị những cánh cửa, khiến chị nhận ra trong chính bản thân mình “một con người khác, hối hả, muốn được đắm mình và tỏa hương…”.

Mọi câu chuyện tình nếu chỉ dừng lại ở những đam mê thể xác sẽ không khiến người ta trăn trở và bồi hồi khi gấp trang sách lại. Cái chất men say mà Francesca đắm đuối tận hưởng không phải là những hoan lạc nhất thời mà tình yêu mang lại. Thanh cao hơn thế, đó còn là sự đằm thắm về tinh thần, sự giao thoa về tâm hồn. Xa hơn thế, câu chuyện tình ở Madison khiến chúng ta nhận ra “niềm ham sống, khả năng xúc động và biết xúc động vì những điều tinh tế của trí tuệ và tinh thần mới thực sự có giá trị”. Chúng ta đang để cho những thói quen, phép tắc, những quy định, lề luật và tập tục xã hội làm cho trở nên khô cứng, “chúng ta đang từ bỏ tự do, ngày càng chăm lo sắp xếp, tô điểm diêm dúa cho những xúc cảm của mình”.

Sự dồn nén, giằng co trong nội tâm của Francesca được miêu tả hết sức thành công. Để cưỡng lại và vượt qua sự cám dỗ, Robert và Francesca đã phải vận dụng mọi thứ triết lý về can trường và hy sinh. Nghe có vẻ sáo mòn, nhưng thực sự Francesca đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, hy sinh những khát khao tình ái để không phá hủy cuộc sống của những người thân. Và Robert là một người đủ nhạy cảm để thấu hiểu những gì đang diễn ra trong con người Francesca và để chị ở lại với sự lựa chọn của chị. Họ đã không - tìm - cách - sở - hữu - nhau, đối với họ, chỉ cần sự hiện diện của người mình yêu trên cuộc đời này đã là đủ: “Sau này em không còn ngồi bên anh trên cỏ ở đây nữa. Nhưng anh sẽ có em trong lòng anh như một tù nhân tự nguyện”. Chỉ có bốn ngày, song những gì xảy ra giữa Robert và Fracesca không phải là một cuộc phiêu lưu tình ái. Đó là một tình yêu sâu sắc và trọn vẹn, đi theo họ trong suốt cuộc đời.

Còn rất nhiều những câu chuyện tình, trong đó những người tình truyền kiếp “rơi thẳng vào nhau” khi cuộc đời họ đã được an bài, như cuộc tình của Zhivago và Lara trong Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternark chẳng hạn. Cũng như Francesca, hai nhân vật Zhivago và Lara cũng bị giằng xé giữa tình yêu và bổn phận. Họ nhận thấy mình đang chìm đắm trong một tình yêu định mệnh. Thế nhưng, khác với Francesca, cuộc đời của các nhân vật trong Bác sĩ Zhivago là một chuỗi những khổ đau dằn vặt không lối thoát và họ đã chọn cái chết như một sự giải thoát khỏi định mệnh trớ trêu!

Trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc, mỗi người trong chúng ta đều có thể bất thần bị trúng một “cú đấm của mặt trời”. Sau cơn chếnh choáng và mất thăng bằng, có người sẽ như Natalia, sớm nhận ra không dễ dàng gì để nhổ bật một rễ cây mà mình đã nhọc công vun trồng bấy lâu. Có người sẽ như chàng sĩ quan trẻ tuổi, thấy đời mình trở nên vô nghĩa khi để tuột mất tình yêu, một tình yêu đích thực chỉ đến một lần duy nhất và không bao giờ có nữa, dù có sống bao nhiêu cuộc đời. Cũng có người sẽ như Francesca, chọn lựa trách nhiệm và bổn phận làm triết lý để sống và yêu thương… Đương nhiên, không ai muốn lựa chọn một kết cục đau buồn như Zhivago và Lara. Mang trong tim một tình yêu quá lớn, không thể lùi lại cũng không thể bước tiếp, họ đã chọn cách dừng lại vĩnh viễn ở điểm tận cùng của nỗi mong nhớ và sự tuyệt vọng!

Không chuyện tình nào trong những câu chuyện tình kể trên được khép lại bằng cái kết có hậu: “Và họ sống bên nhau hạnh phúc đến đầu bạc răng long…”. Tất cả đều là những cuộc tình dang dở. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, mối liên hệ vô hình trong tâm tưởng khiến họ mãi mãi không thể rời xa nhau. Và nói theo cách của chàng nhiếp ảnh gia lãng tử Robert Kincaid, họ như những đường thẳng song song tưởng chừng không bao giờ gặp nhau nhưng hóa ra lại có thể giao hòa ở một nơi rất xa, nơi đó là “ảo giác của hội tụ”…