Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Đại náo thiên cung

Hôm tròn 1 tuần Tỗn chính thức vào năm học mới mình đã khiến các cô giáo trường Tỗn một phen thất điên bát đảo. Chuyện xảy ra đã khoảng 2 tuần rồi, nhưng hôm nay mình mới có thời gian để kể lại.
Số là, vì mình không thể về đúng giờ để đón Tỗn được nên ngày đầu tiên dẫn con đến trường làm quen với cô giáo mới mình đã gặp cô Thanh Vân - giáo viên chủ nhiệm của con để trình bày hoàn cảnh gia đình và đề nghị cô giúp đỡ: hoặc có thể đón con, hoặc giới thiệu người nào đó để mẹ nhờ đón con, nhưng cô từ chối. Sau đó, mẹ biết cô Ánh Vân - giáo viên lớp 2 làm dịch vụ đón một số bạn có hoàn cảnh giống nhà mình nên đã nhờ cô. Trong lúc chờ mẹ đến đón, cô Ánh Vân sẽ cho con tập viết và làm một số bài tập. Mọi chuyện suôn sẻ được một tuần, đến sáng thứ 7, khi đến lớp để sinh hoạt câu lạc bộ toán học, cô Thanh Vân đã phát hiện ra dòng chữ lạ viết mẫu trong quyển vở của T và có hỏi con rằng chữ đó của ai, con thật thà trả lời là chữ của cô Ánh Vân viết mẫu cho con. Cuối buổi, khi mẹ đến đón Tỗn, cô Thanh Vân nhìn mẹ với đôi mắt hình viên đạn và gọi hai mẹ con lên “khảo cung” và “tuyên án”:
- Tại sao trong vở của Đức Anh lại có chữ cô Ánh Vân? Nếu gia đình thích cho học cô Ánh Vân thì từ nay trở đi Đức Anh sẽ nghỉ không tham gia CLB Toán nữa, và cô giáo cũng không phát phiếu làm bài tập nữa, chỉ học sách giáo khoa thôi.
Nói rồi, cô hăng hái gọi một bà trong ban phụ huynh của lớp (trông mặt giống bà bán thịt ở chợ) vào và bảo:
- Trường hợp này từ nay trở đi không được phát bất cứ phiếu bài tập nào, cũng không tham gia câu lạc bộ nữa. Cứ để cô Ánh Vân cho bài tập đi, học ai thì chỉ học một người thôi, không thì loạn đầu lên đấy.
Mẹ nghe thế, bất bình lắm, nhưng vẫn cố gắng mềm mỏng với cô: - Vì bố mẹ cháu bận không đón được nên nhờ cô Ánh Vân đón về và cho học bài trong khi chờ bố mẹ, đó là việc ngoài giờ học. Còn trong lớp học, đề nghị cô vẫn phát phiếu bài tập cho cháu làm bình thường. Vì nếu cả lớp được phát, mà cô không phát cho Đức Anh, thì đó là hình thức cô lập và phân biệt đối xử.
Cô nghe thế, càng hăng máu:
- Cô yêu cầu phải giữ bí mật các phiếu, không để bất cứ ai ngoài lớp xem được, nếu phát cho Đức Anh thì không đảm bảo an toàn cho các phiếu bài tập đó.
Mẹ tiếp tục thuyết phục cô và hứa sẽ không để phát tán những phiếu bài tập cô giao cho con, nhưng cô cứ khăng khăng:
- Phiếu để trong cặp con, mà cặp con lại để ở nhà cô Ánh Vân nên không có gì đảm bảo được điều đó.
Đôi co đến đây, mẹ bắt đầu mất bình tĩnh và biết rằng nếu tiếp tục cuộc trao đổi sẽ có chiều hướng gay gắt, căng thẳng hơn nên mẹ chỉ lạnh lùng: - Vấn đề này mẹ cháu sẽ trao đổi lại với cô sau. Rồi mẹ dắt con ra về.
Về đến nhà, mẹ càng nghĩ càng thấy bực. Không thể nào ngay giữa Thủ đô, giữa thanh thiện bạch nhật mà mẹ để người ta công khai trù dập con trai mình. Lập tức, mẹ gọi điện cho cô Ánh Vân kể lại sự việc và tâm sự rằng mẹ đang băn khoăn giữa hai lựa chọn: hoặc là chuyển lớp cho con hoặc là chuyển trường và hỏi cô Ánh Vân rằng nếu chuyển lớp thì liêu con có gặp khó khăn gì trong môi trường mới, với cô giáo mới. Tiện thể, mẹ cũng thông báo rằng nếu không tìm đuợwc tiếng nói chung giữa gia đình và nhà trường, mẹ sẽ đưa vấn đề ra công luận rồi sẽ chuyển trường cho con.
Sau đó, khoảng 1h30 cô Thanh Vân gọi lại và xin lỗi, đại ý là cô không khéo ăn khéo nói, nên câu nào không vừa tai thì mong mình bỏ qua. Mình nói ngắn gọn là sẽ nghĩ cách để giải quyết vấn đề cho ổn thỏa, rồi cúp máy.
Buổi chiều, mẹ ngủ dậy thì cô Ánh Vân gọi điện bảo là đã báo cáo vấn đề lên Hiệu trưởng và Hiệu trưởng muốn gặp mình để nói chuyện. Cô Ánh Vân cũng "phím" là Hiệu trưởng nhờ cô Ánh Vân trấn an mình để không "đưa lên báo chí để rộng đường dư luận" và đồng ý giải quyết để Tỗn chuyển lớp.
Tối, mình đến gặp Hiệu trưởng. Sau khi kể lại sự việc, mình đưa ra ý kiến cá nhân, rằng nếu sau buổi nói chuyện này, mình không tìm ra được tiếng nói chung giữa gia đình và nhà trường thì mình buộc phải chuyển trường cho con, và trước khi chuyển trường, mình sẽ đưa vấn đề ra công luận.
Khi nghe mình nói xong, cô Hiệu trưởng nhận lỗi, rằng giáo viên đã sai và nói với mình rằng, đừng chuyển trường cho con, cô sẽ giải quyết được hết.... rồi hỏi nguyện vọng mình muốn chuyển sang lớp nào, sẽ đáp ứng ngay...
Mình nói muốn chuyển sang lớp A1 (Khóa có 8 lớp thì 2 lớp A1 và A2 là hai lớp ngoại giao của trường, cô giáo chủ nhiệm lớp A1 là trưởng khối, dạy rất giỏi, Tỗn hiện học lớp A2 của cô Thanh Vân). Sau đó, cô cư xử rất thân tình, mời mình đi xem nhà, hỏi han công việc....
Tối hôm đó và sáng hôm sau, cô Thanh Vân có gọi điện nhưng mình không nghe máy. Đến tối, mình gọi điện thông báo với cô là mình sẽ chuyển lớp cho con, cô hoảng thật sự. Cô rối rít thanh minh và hứa hẹn là sẽ quan tâm đến Tỗn và hết lời ca ngợi Tỗn...
Sáng hôm sau, mình đến trường với tờ đơn xin chuyển lớp trên tay và vào thẳng phòng Hiệu trưởng. Cô Hiệu trưởng vồn vã: Sẽ chuyển lớp cho Đức Anh ngay trong buổi sáng nay, nguyện vọng của mẹ Đức Anh là quan trọng nhất.
Buồi chiều, cô Ánh Vân gọi điện cho mẹ báo là con đã chuyển lớp trong giờ học sáng nên mẹ hỏi địa chỉ nhà cô giáo mới để đến thăm cô, tiện cũng nói với cô vài lời vì đã đặt cô vào thế khó xử với đồng nghiệp. Trước khi đến nhà cô, mẹ gọi điện. Khi mẹ đến đầu ngõ vào nhà cô, còn đang loay hoay không biết rẽ ngả nào thì có một bác đến hỏi có phải mẹ hỏi nhà cô Mai không. Đó là bác giúp việc nhà cô giáo ra để dẫn đường cho mẹ.
Bây giờ thì mọi chuyện đã vào nề nếp, mẹ khá hài lòng với phong cách giao tiếp và trình độ của cô giáo mới. Và mẹ vẫn cho cô Thanh Vân hưởng án treo, nếu các cô trong trường có bất kỳ động thái nào không ổn, mẹ sẽ lập tức nghị án....

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2010

Sinh nhật Miu




Tiệc mặn sinh nhật Miu
































Hai anh em ở Thiên Cầm








Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Ngày đầu tiên đi học

Hôm nay là ngày đầu tiên Tỗn đến lớp để nhận cô, nhận bạn. Cả nhà cùng háo hức, chộn rộn từ suốt tối hôm qua. Sáng nay, ăn sáng xong, bố đề xuất là cho cả em Miu đi nữa, thế là cả nhà cùng đi học với anh Tỗn. Khoảng 6 h sáng, trời đổ mưa tầm tã, đường ngập mênh mông, nước chảy cuồn cuộn như dòng sông mùa nước nổi. Bố mẹ đi hai xe, bố chở hai anh em, mẹ đi một mình. Dù nhà chỉ cách trường 500 mét nhưng đến nơi cả nhà đều ướt sũng. Tỗn mặc áo sơ mi và quần soóc mẹ mới mua, trông cũng không đến nỗi ngọ ngằn lắm (!). Nhưng khi vào lớp, cả bố mẹ đều choáng vì có bạn lớn... gấp 3 Tỗn. Bạn đó trông cao, to, lúc đầu mẹ còn tưởng là học sinh lớp 3 hay lớp 4 gì đó. Rồi có một bạn béo phì, chắc khoảng 40kg. Khi bạn đi ngang qua, Tỗn lẩm nhẩm: "Gì mà béo thế, chắc ăn nhiều thịt mỡ!" làm mẹ phì cười.
Cô giáo vào lớp và yêu cầu các con lên trước lớp để tự giới thiệu về mình. Đến lượt Tỗn, con dõng dạc lắm: "Tôi tên là Nguyễn Đức Anh, nhà tôi ở ngõ Bản Đồ. Mẹ tôi tên là Khuyên - Phạm thị Khuyên". Khi cô giáo đột ngột hỏi bố con tên là gì thì Tỗn ngẩn người ra đến một phút mới nói là: "Nguyễn Đức Diên". Khi cô giáo thưởng kẹo, Tỗn dõng dạc cảm ơn.
Tỗn vào lớp một, mẹ gặp chút khó khăn trong việc bố trí người đưa đón con. Cách đây nửa tháng, mẹ cũng đã dạm hỏi định xin cho Tỗn vào lớp cô Ánh Vân để học vì cô thường đón các bạn về nhà. Nhưng năm nay cô Ánh Vân lại không dạy lớp 1 nên mẹ không biết phải xử trí thế nào. Ngày mai Tỗn bắt đầu đi học, nghĩa là từ ngày mai mẹ phải thu xếp để có người đón Tỗn lúc 4h30 chiều. Mẹ biết xoay xở thế nào đây...?

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2010

Đêm trắng

Thứ sáu tuần vừa qua, bố về quê đón các con ra. Mẹ ở lại lau dọn nhà cửa. Khoảng 12 h đêm thì ba bố con ra đến nơi. Mẹ ra xe dẫn hai anh em vào nhà. Khi các con vào đến tầng 1, mẹ bảo các con lên tầng 2 đi, mẹ bật sẵn điều hòa rồi đó. Mẹ vừa dứt lời thì... mất điện. Hà Nội đang vào đợt nắng nóng cao điểm nên mất điện triền miên. Ở quê thì khỏi phải nói, có khi mất liền 3 ngày. Ở trên này thì thỉnh thoảng thôi, nhưng các chú ở Sở Điên (điện) sáng tạo ghê lắm, toàn cắt khoảng 12 h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau.
Cả nhà bắt đầu cuộc hành quân đi tìm nơi mát nhất. Điểm đến đầu tiên là tầng 3, trên ấy nhiều gió lắm. Nhưng mà, cả nhà vừa đặt lưng xuống lại nhổm dậy luôn vì nền nhà... ấm lưng (dù chập tối mẹ đã lau rồi). Còn gió thì khủng khiếp, nóng hầm hập như gió Lào. Thế là cả nhà lại lục tục hành quân xuống tầng 2. Nằm ở phòng Tỗn một lát, không ngủ được, lại kéo sang phòng Miu. Mẹ và bố phân công nhau, mỗi người quạt cho một đứa. Mẹ mỏi rã cả tay mà Miu cứ liên mồm giục quạt mạnh lên. Hàng xóm, một vài nhà dùng máy phát điện nên rất ồn. Bên nhà hàng xóm, em Hằng và em My còn nhỏ quá nên khóc loạn cả lên. Mấy chị lớn hơn thì không ngủ được nên ra ngõ chơi... trốn tìm. Người lớn thì ra ngõ ngồi tán chuyện râm ran... Mẹ mỏi tay rã rời, mắt thì díp lại mà vẫn phải nghe Tỗn căn vặn: Nào là tại sao nhà hàng xóm đằng kia lại có điện? Trả lời - Họ có máy phát điện. Hỏi: Thế sao nhà họ có mà nhà mình không có? - Vì nhà họ giàu, nhà mình nghèo. Thế sao bố mẹ không làm người giàu mà lại làm người nghèo...
Đến 5h thì có điện. Cả xóm giải tán, lục tục kéo nhau đi ngủ. Mẹ chỉ chợp mắt được 1 tiếng, 6h đã phải dậy đi làm. Hè này, Hà Nội có nhiều đêm trắng!

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2010

Kỳ nghỉ hè ở quê

Từ cuối tháng 5, khi hai anh em được nghỉ hè bố mẹ liền cho các con về quê. Sau một tuần, mẹ về thăm và vô cùng ngạc nhiên với sự đổi khác của Tỗn. Bình thường ở ngoài này, hàng ngày 7h mẹ lùa ba bố con dậy vô cùng vất vả. Tỗn luôn là kẻ bầy hầy nhất. Tối thì con nằm trằn trọc mãi không ngủ, còn sáng dậy thì ngủ vùi. Tuần qua, mẹ về vào tối thứ 6. 5h sáng thứ Bảy mẹ đang còn ngủ say thì nghe tiếng Tỗn thì thầm bên tai: Mẹ ơi, mẹ có dậy đi thể dục với con không? Mẹ bừng tỉnh bởi kinh ngạc quá đỗi, làm sao con dậy sớm như thế được. Trong lúc hai mẹ con và bà đi bộ ra đê, bà kể chuyện là từ khi con về hôm nào con cũng dậy sớm đi thể dục cùng bà. Có hôm bà ngủ quên con còn đánh thức bà nữa. Tỗn đi bộ và xách theo một cái hộp nhựa, trong đó đựng đầy vỏ ốc mà con nhặt ở các bãi cát ven sông. Hôm đi cùng mẹ, Tỗn nhìn thấy một cái vỏ ốc sên và reo lên thích thú như là khám phá được điều gì kỳ diệu lắm. Bà nội phải giải thích, thuyết phục mãi Tỗn mới bỏ cái vỏ ốc đó đi. Ra bờ sông, hai mẹ con và bà lội xuống sông để xem bác thuyền chài đổ cá. Ba bà cháu mua được mớ cá bống rõ ngon.
Về quê, Tỗn có sở thích là câu cá. Sau khi đi thể dục về, ăn sáng xong là vác cần câu ra bờ ao. Chiều ngủ dậy lại câu tiếp. Tỗn sát cá ghê. Có hôm câu được 27 con cá rô phi. Từ hôm Tỗn về, cả nhà ăn liên hồi kỳ trận các món với chiến lợi phẩm của Tỗn: rán, sốt, nấu bánh đa, chả cá... Đến hôm mẹ về, thấy cá rán còn ê hề mà không ai đụng đến, mẹ kiên quyết không cho Tỗn câu nữa và bảo mọi người chán cá rô phi rồi. Tỗn thuyết phục mẹ ra chợ mua tận 10 con cá rô đồng về thả xuống cho nó đẻ để lần sau về câu...
Dù có nhiều trò chơi: thả diều, câu cá... nhưng thỉnh thoảng Tỗn và Miu rất nhớ mẹ. Khi thấy Tỗn thẫn thờ, ông nội hỏi không nói, ông quát Tỗn một câu, thế là Tỗn bảo: mai mẹ cháu về, cháu đi luôn cùng mẹ. Em Miu thì ngoan lắm, hôm mẹ vừa đi là em Miu sốt liền hai ngày, nhưng không khóc lóc gì cả. Hôm mẹ về, trưa chủ nhật, nằm ngủ cạnh mẹ, khi mẹ gỡ tay em ra để dậy chuẩn bị đi, thấy tay em bíu chặt lấy mẹ, mẹ xoay mặt em lại thì thấy em khóc ướt gối từ bao giờ. Lúc chuẩn bị đi, mẹ phải nháy cô Phượng đưa em ra vườn bắt buớm để em quên...
Các con đi rồi, mẹ nhớ ghê. Còn tận 3 tuần nữa các con mới hết kỳ nghỉ hè, mẹ thấy dài ghê, dù sẽ cố gắng tuần nào cũng về thăm các con.

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Ngày Chủ nhật vui vẻ

























Đây là ảnh gia đình mình đi chơi Bách Thảo, có chú Lịch và cô Nga đi cùng

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Tỗn tròn 6 tuổi

Bức tranh Leo núiPooh đu dây làm Tỗn thích mê đi
Đây là quà mẹ tặng Tỗn nhân ngày sinh nhật






Anh Cường đang giúp Tỗn thắp nến
Tỗn chuẩn bị thổi nến
Thế là Tỗn của mẹ đã tròn 6 tuổi. Tháng 9 này, Tỗn vào lớp 1 rồi. Bố thường đùa, Tỗn không phải "con vàng, con bạc", mà là "con kim cương". Thời gian mang thai Tỗn, mẹ rơi không biết bao nhiêu nước mắt và... tiền nữa. Vì đã thất bại nhiều lần, nên khi biết mẹ có thai, bác sĩ Nha đã rất tận tình, cố gắng để giúp bố mẹ toại nguyện. Từ khi biết mình mang thai, mỗi ngày mẹ mất cả gần 300 nghìn tiền thuốc giữ và dưỡng thai, trong khi lương của mẹ chỉ có 700! Sang tuần thứ 7, khi đi siêu âm, bác sĩ soi mãi mà không nghe được tiếng tim con đập. Mẹ nằm mà không rời mắt khỏi mặt bác sĩ. Mỗi lần bác sĩ Nha nhíu mày là một lần tim mẹ như muốn ngừng đập. Hồi hộp và lo lắng vô cùng. Khi bác sĩ nói với mẹ rằng, không tìm thấy tim thai đâu và yêu cầu mẹ ra ngoài đi tiểu để làm đầu dò, mẹ tưởng chừng muốn khuỵu. Mẹ ra ngoài với nước đầm đìa, mặt tái nhợt bắt gặp ánh mắt lo lắng của bố, mẹ chỉ lúc lắc nhẹ đầu, vì họng như cứng lại, không thể cất lời.... Rồi mẹ vào khám lại, bác sĩ nói mà như reo: Thấy rồi... Khi ra ngoài, mẹ vẫn chưa hết bàng hoàng nên bố gặng hỏi, mẹ vẫn không nói được. Mẹ vẫn nhớ hình ảnh bố cầm chìa khóa xe mà tay run run, không tra nổi vào ổ khóa. Sau vài phút, bố hết kiên nhẫn, ném chìa khóa xe xuống đất và giật cuốn sổ khám trong tay mẹ. Khi thấy bác sĩ đề: tim thai: +; Kết luận: bình thường, bố mới thở phào... Mẹ đếm từng ngày trong phấp phỏng, lo âu và chờ con ra đời. Khi còn khoảng 1 tháng nữa là tới ngày dự kiến sinh, mẹ ăn táo và bị ngộ độc. Khi tỉnh dậy, mẹ thấy cảnh tượng thật thê thảm: mẹ nôn vương vãi, cạnh đó, bố ngồi lo lắng, bác Khiêm thì lồng lộn... Bác sĩ chỉ định mổ ngày hôm sau... Mẹ phải trải qua nhiều đau khổ, mất mát mới có Tỗn nên ngày Tỗn chào đời, anh em họ hàng và bạn bè đều quan tâm, điện thoại thăm hỏi ríu ran kể từ khi mẹ nhập viện. Khi bác sĩ lôi con từ trong bụng mẹ ra và giơ cho mẹ xem, mẹ thấy lòng mình nghẹn lại. Và mẹ xúc động đến mức muốn hỏi xem con của mình có khỏe không mà không thể cất thành lời. Phút giây hạnh phúc ấy, đời mẹ sẽ không bao giờ quên được...

Giờ thì Tỗn đã tự viết được mấy chữ: bố Diên, mẹ Khuyên và số điện thoại của bố mẹ, dù còn nghuệch ngoạc lắm, nhưng mẹ vẫn thấy tự hào vô cùng. Nhìn các con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, xinh xắn mẹ thấy thật tự hào. Có lẽ, các con là "thành tích" lớn nhất của đời mẹ!

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010

Ảo giác của sự hội tụ

Entry này là dành cho Người đẹp đa đoan (biệt danh mình đặt cho cô bạn gái). Mấy hôm nay không liên lạc được với bạn nên chẳng hiểu, lòng đã bớt bão dông? Tình cờ, đọc được bài tản văn của một đồng nghiệp trong phòng, thấy chứa đựng một số điều muốn nói với bạn, nên post lên đây. Mong rằng, bạn sẽ tìm thấy một phần của mình trong những nhân vật ấy. Hy vọng, nó sẽ có ích cho bạn, một chút thôi, là cũng tốt rồi.

Trong những câu chuyện cổ tích, bao giờ công chúa và hoàng tử cũng đến được với nhau cho dù phải trải qua bao nhiêu khó khăn và thử thách. Tất cả mọi đứa trẻ đều tỏ ra mãn nguyện và hài lòng khi trang sách cuối cùng được khép lại bằng câu kết: “Và họ sống bên nhau hạnh phúc đến đầu bạc răng long…”.

Say nắng của Ivan Bunin là một câu chuyện tình lãng mạn đẹp như một bài thơ. Trong cuộc tình chóng vánh như gió thoảng đó, viên sĩ quan thậm chí còn không biết chút gì về danh tính của người đàn bà đã làm thay đổi cuộc đời anh. Khi bắt đầu cuộc phiêu lưu tình ái kỳ lạ này, anh đã nghĩ chỉ để “giải trí một cách ngộ nghĩnh”. Thế nhưng, ngay khi người phụ nữ đó vừa rời xa, anh bỗng hiểu rằng anh vừa bị một “cú đấm của mặt trời” và “cuộc đời thiếu vắng nàng, sẽ thừa, sẽ không cần thiết biết bao nhiêu!”.

Mang hơi hướng Say nắng của Bunin, truyện ngắn Giữa mặt đất và bầu trời của Victoria Tokareva (Tuyển tập truyện ngắn Một ngày không nói dối) kể về Natalia, một phụ nữ xinh đẹp lấy chồng từ năm 18 tuổi và ly dị sau 8 tháng chung sống. Trên chuyến bay đến Bacu với người tình, Natalia gặp một chàng trai trẻ và chàng trai đó đã khơi lên trong trái tim cô những cảm xúc rất lạ lùng, giống như men say. Với kiểu “kết cấu tâm thái”, Giữa mặt đất và bầu trời chỉ là sự miêu tả những trạng thái tâm lý và tình cảm, là sự đan xen của những mảng ký ức nhân vật, thêm vào đó chút liên tưởng, so sánh mang màu sắc tâm lý rất đàn bà. Trong trạng thái lơ lửng giữa mặt đất và bầu trời, Natalia nhận ra cuộc đời chỉ thực sự có ý nghĩa khi có một bờ vai tin cậy để tựa vào mỗi khi sợ hãi và cô đơn! Cô cũng nhận ra, sự đồng cảm khiến hai con người xa lạ chỉ sau mấy phút gặp gỡ bỗng thấy thân thiết như đã biết nhau từ hàng trăm năm trước. Nhưng rồi khi ở trên mặt đất, khi trái tim thôi không còn loạn nhịp, sau nhiều đêm thao thức bởi ánh mắt đau đáu của người bạn đồng hành, cô cũng hiểu ra một điều: “Nếu định nhổ một cái cây lên, nhất định bạn phải trồng nó sang một chỗ khác để nó tiếp tục lớn lên và đâm chồi nảy lộc... Khi còn rất trẻ, người ta có thể dễ dàng nhổ lên những rễ cây non và ném chúng đi, bởi cứ ngỡ rằng tất cả còn đang ở phía trước và mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong tương lai”.

Có một người phụ nữ xinh đẹp cũng không đành lòng nhổ lên những rễ cây non. Đó là Francesca trong Những cây cầu ở quận Madison của Robert James Waller. Cả trong tiểu thuyết lẫn trên màn ảnh, cặp tình nhân Francesca Johnson và Robert Kincaid đã khiến hàng triệu trái tim xúc động. Nếu như bộ phim gây ấn tượng bởi diễn xuất tuyệt vời của cặp diễn viên gạo cội Meryl Streep và Clint Eastwood cùng những khuôn hình lãng mạn tuyệt đẹp của đôi tình nhân trên những cây cầu có mái che ở quận Madison thì cuốn sách của Robert James Waller lại cuốn hút độc giả bởi những trường đoạn miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc. Ngay khi gặp Robert, Francesca nhận ra bấy lâu nay chị sống trong sức ỳ của thói quen, “những thói quen làm cho người ta có thể dễ dàng chịu đựng bất kỳ cuộc hôn nhân nào, bất kỳ mối quan hệ nào”. Thói quen khiến con người trở nên dè dặt, cảnh giác với những thách đố, đổi thay. Chỉ trong bốn ngày, Robert đã cho Francesca “cả một cuộc đời, cả vũ trụ, kết tụ từng phần tách rời của chị thành một thứ trọn vẹn”, mở ra trong chị những cánh cửa, khiến chị nhận ra trong chính bản thân mình “một con người khác, hối hả, muốn được đắm mình và tỏa hương…”.

Mọi câu chuyện tình nếu chỉ dừng lại ở những đam mê thể xác sẽ không khiến người ta trăn trở và bồi hồi khi gấp trang sách lại. Cái chất men say mà Francesca đắm đuối tận hưởng không phải là những hoan lạc nhất thời mà tình yêu mang lại. Thanh cao hơn thế, đó còn là sự đằm thắm về tinh thần, sự giao thoa về tâm hồn. Xa hơn thế, câu chuyện tình ở Madison khiến chúng ta nhận ra “niềm ham sống, khả năng xúc động và biết xúc động vì những điều tinh tế của trí tuệ và tinh thần mới thực sự có giá trị”. Chúng ta đang để cho những thói quen, phép tắc, những quy định, lề luật và tập tục xã hội làm cho trở nên khô cứng, “chúng ta đang từ bỏ tự do, ngày càng chăm lo sắp xếp, tô điểm diêm dúa cho những xúc cảm của mình”.

Sự dồn nén, giằng co trong nội tâm của Francesca được miêu tả hết sức thành công. Để cưỡng lại và vượt qua sự cám dỗ, Robert và Francesca đã phải vận dụng mọi thứ triết lý về can trường và hy sinh. Nghe có vẻ sáo mòn, nhưng thực sự Francesca đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, hy sinh những khát khao tình ái để không phá hủy cuộc sống của những người thân. Và Robert là một người đủ nhạy cảm để thấu hiểu những gì đang diễn ra trong con người Francesca và để chị ở lại với sự lựa chọn của chị. Họ đã không - tìm - cách - sở - hữu - nhau, đối với họ, chỉ cần sự hiện diện của người mình yêu trên cuộc đời này đã là đủ: “Sau này em không còn ngồi bên anh trên cỏ ở đây nữa. Nhưng anh sẽ có em trong lòng anh như một tù nhân tự nguyện”. Chỉ có bốn ngày, song những gì xảy ra giữa Robert và Fracesca không phải là một cuộc phiêu lưu tình ái. Đó là một tình yêu sâu sắc và trọn vẹn, đi theo họ trong suốt cuộc đời.

Còn rất nhiều những câu chuyện tình, trong đó những người tình truyền kiếp “rơi thẳng vào nhau” khi cuộc đời họ đã được an bài, như cuộc tình của Zhivago và Lara trong Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternark chẳng hạn. Cũng như Francesca, hai nhân vật Zhivago và Lara cũng bị giằng xé giữa tình yêu và bổn phận. Họ nhận thấy mình đang chìm đắm trong một tình yêu định mệnh. Thế nhưng, khác với Francesca, cuộc đời của các nhân vật trong Bác sĩ Zhivago là một chuỗi những khổ đau dằn vặt không lối thoát và họ đã chọn cái chết như một sự giải thoát khỏi định mệnh trớ trêu!

Trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc, mỗi người trong chúng ta đều có thể bất thần bị trúng một “cú đấm của mặt trời”. Sau cơn chếnh choáng và mất thăng bằng, có người sẽ như Natalia, sớm nhận ra không dễ dàng gì để nhổ bật một rễ cây mà mình đã nhọc công vun trồng bấy lâu. Có người sẽ như chàng sĩ quan trẻ tuổi, thấy đời mình trở nên vô nghĩa khi để tuột mất tình yêu, một tình yêu đích thực chỉ đến một lần duy nhất và không bao giờ có nữa, dù có sống bao nhiêu cuộc đời. Cũng có người sẽ như Francesca, chọn lựa trách nhiệm và bổn phận làm triết lý để sống và yêu thương… Đương nhiên, không ai muốn lựa chọn một kết cục đau buồn như Zhivago và Lara. Mang trong tim một tình yêu quá lớn, không thể lùi lại cũng không thể bước tiếp, họ đã chọn cách dừng lại vĩnh viễn ở điểm tận cùng của nỗi mong nhớ và sự tuyệt vọng!

Không chuyện tình nào trong những câu chuyện tình kể trên được khép lại bằng cái kết có hậu: “Và họ sống bên nhau hạnh phúc đến đầu bạc răng long…”. Tất cả đều là những cuộc tình dang dở. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, mối liên hệ vô hình trong tâm tưởng khiến họ mãi mãi không thể rời xa nhau. Và nói theo cách của chàng nhiếp ảnh gia lãng tử Robert Kincaid, họ như những đường thẳng song song tưởng chừng không bao giờ gặp nhau nhưng hóa ra lại có thể giao hòa ở một nơi rất xa, nơi đó là “ảo giác của hội tụ”…

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Xấu xí

Hằng ngày, nơi mình làm việc, mình thường chạnh lòng khi nghe đồng nghiệp nói những từ: "Bọn nhà quê". Mặc dù, mình biết rằng, bố mẹ những người phát ngôn ấy cũng sinh ra từ làng... Nhân vụ việc "mất thể diện Thủ đô" (Lễ hội hoa 2010), mình đọc bài báo này trên báo Tiền Phong, thấy thú vị, nên post lên đây để tặng những người thành phố!

Xấu xí

Đâu còn mới những cảnh bẻ hoa, vin cành, trong lễ hội hoa vừa diễn ra tại khu vực Hồ Gươm, cảnh các nam thanh nữ tú chen nhau thưởng hoa, rồi giành nhau lấy trộm cây cảnh trong tiếng loa quát tháo ời ời của đội bảo vệ, trên tay lăm lăm dùi cui.

Năm nào cũng vậy, báo chí cứ nói, cảnh phản cảm vẫn diễn ra.

Cư dân trên mạng, có lẽ là dân Hà Nội thì nói, qua các tấm ảnh trên báo, thấy những người vô ý thức kia đều là dân nhà quê, ý nói không phải dân Hà Nội hay Hà Nội gốc. (Nhưng TPHCM cũng đầy dân nhập cư đó thôi, mà đường hoa Nguyễn Huệ năm nào Tết đến cũng sáng bừng, có cần phải cảnh sát dùi cui canh me như thế đâu?).

Nhân đây nhớ lại một chuyện hay ho nữa mới diễn ra ở thủ đô. Đám cưới của một anh sinh năm 1984, nghe các báo mạng nói là đại gia kinh doanh ô tô nhập khẩu.

Chuyện chả có gì đáng chú ý ngoại trừ sự phô diễn mức độ giàu sang: tổ chức tại khách sạn 5 sao, đoàn xe rước dâu toàn là xe siêu sang của thế giới. Một chiếc Rolls- Royce trắng làm xe hoa, đi kèm là những Aston Martin, Bentley, Ferrari… mà cộng thuế cùng các chi phí, ở Việt Nam, giá mỗi siêu xe lên tới hơn 20 tỷ đồng!

GDP của Hà Nội, mức sống của dân thủ đô được nói là thấp hơn TPHCM nhưng nếu nói chơi sang thì dân Sài thành có lẽ chưa theo kịp.

Một chuyên gia thị trường có lần nói với tôi: muốn bán hàng cho người Hà Nội, cứ bán hàng hiệu nhái. Hàng Trung Quốc nhái Louis Vuitton, Versace…, những thương hiệu nổi tiếng, bán rất chạy.

Các cô cậu sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, những nam thanh nữ tú quần áo hàng hiệu, vè vè xe ga đắt tiền như Honda SH, PS, LX… nhưng phơi đầu không mũ bảo hiểm, cảnh ít thấy ở những thành phố khác.

Những cô cậu này vừa đi vừa ôm ấp, âu yếm nhau, thậm chí đi ngược chiều, bất chấp sự khó chịu của những người đang tuân thủ Luật Giao thông, khi bị công an tuýt còi thì rút điện thoại ra, gọi ai đó…

Chừng nào người Hà Nội chưa chịu soi lại mình, vẫn vỗ ngực xưng là thanh lịch, chừng nào mỗi người thủ đô chưa biết xấu hổ trước hành vi của mình, và cao hơn, chừng nào Hà Nội chưa có một chính quyền đô thị vượt qua chiều kích phát triển thì những cảnh nói trên sẽ vẫn còn tiếp diễn.